Thư viện trường Tiểu học Tạ Hoàng Cơ
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4 – Chuyện kể về mười cô gái ngã ba Đồng Lộc
Chắc hẳn mỗi khi nhắc lại lịch sử hào hùng của kháng chiến chống thực dân Mỹ xâm lược, chúng ta sẽ không quên một cung đường đầy hiểm nguy mà người ta gọi đó là “Tọa độ chết”. Tọa độ chết ấy chính là ngã ba Đồng Lộc – nằm trên đường Trường Sơn thuộc địa phận xã Đồng Lộc – huyện Can Lộc – Hà Tĩnh. Mảnh đất này, ngày 24/7/1968 đã ôm vào lòng mười cô gái thuộc tiểu đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ đường 15A. Tất cả các cô đều rất trẻ. Và sự hi sinh anh dũng của các cô là tấm gương sáng mãi với bao thế hệ người Việt Nam ta.
Hôm nay thư viện trường xin giới thiệu cuốn sách “Chuyện kể về mười cô gái ngã ba Đồng Lộc”. Cuốn sách được chuyển tải bằng hình thức truyện tranh theo lời kể của Hoài Lộc cùng những hình ảnh gần gủi và đơn giản của nhóm Cloud Pillow Studio. Cuốn sách gồm 41 trang, in trên khổ 19x 26 cm và được biên soạn bởi Nhà xuất bản Kim Đồng, chủ yếu kể về cuộc sống, công việc của mười nữ thanh niên xung phong ở tiểu đội 4 đại đội 552 tổng đội 55-TNXP. Họ là những cô gái nông thôn dân dã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Dưới ngòi bút chân thực, giản dị của tác giả, hình ảnh 10 cô gái hiện lên chân thực, xúc động với những bức chân dung mỗi người một nét riêng: Tần, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh. Các chị mỗi người một tính cách, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả chung một chiến hào, chung một lí tưởng chiến đấu. Họ chấp nhận rời xa gia đình, quê hương, thậm chí từ bỏ cả mối tình đầu dang dở để đầu quân cho tiền tuyến. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông quan trọng, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến Miền Nam. Đế quốc Mỹ biết được điều đó nên đã tìm mọi cách cắt đứt con đường này. Thế nhưng những cô gái thanh niên xung phong đã luôn chiến đấu với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”. Ngày ngày, họ san lấp hố bom, sửa chữa hầm, khơi lãnh thoát nước… Cái nắng khắc nghiệt của miền Trung cùng tiếng bom của quân địch cũng không thể nào ngăn nỗi tinh thần quả cảm của mười nữ đồng chí. Song, chiến tranh bao giờ cũng gây ra cho dân tộc ta những đau thương, mất mát mà không có gì có thể bù đắp nổi. Vào giây phút sinh tử ngày 24 - 7- 1968, mười cô gái chưa kịp bưng bát cơm chiều đã phải nhận lệnh đi lấp đường cho xe ra chiến trường tiếp viện. Đồng hồ điểm 16 giờ 30 phút cùng ngày cũng là lúc một quả quả bom từ trên trời rơi xuống trước mặt họ. Cả trận địa đã lặng đi, đồng đội ào khóc nức nở…. Mười nữ anh hùng đã ra đi mãi mãi khi tuổi đời mới 18, đôi mươi. Họ mang theo cả tuổi thanh xuân trở về đất mẹ thân thương. Quả không sai khi nói rằng họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để dành tự do cho dân tộc.
Sau này khi nhớ lại khoảnh khắc đau thương ấy, nhà thơ Yến Thanh đã có những câu thơ nghẹn ngào, đầy cảm động về giây phút tìm kiếm thi thể đồng chí Hồ Thị Cúc:
Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quay quần đủ hết
Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em (chín bỏ làm mười răng được!)
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng.
Chiến tranh lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “Tọa độ chết” năm xưa, nhưng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc vì nơi này được xây nên từ sự hy sinh anh dũng của Mười cô gái cùng với hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ khác. Hình ảnh Ngã ba Đồng Lộc quật khởi vươn lên giữa mưa bom lửa đạn còn ghi đậm mãi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Cô tin chắc rằng, mỗi khi đọc cuốn sách này, chúng ta sẽ không cầm nổi những giọt nước mắt trước sự hy sinh đầy đau thương và cảm động của mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc. Và để tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình tới các chiến sĩ thanh niên xung phong và lớp lớp cha anh đã đổ máu hy sinh cho nền tự do độc lập, chúng mình hãy học tập thật chăm chỉ để mai sau xây dựng đất nước nhé!